Có ý kiến cho rằng, phần lớn người Việt làm kinh doanh vẫn chưa làm được việc xác định vị trí của dòng tiền để gọi vốn và tạo ra dòng tiền để khởi sự kinh doanh.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 64.531 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 649 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Ông Hoàng Đình Trọng, chủ tịch Công ty TNHH Đào tạo tư vấn PDCA.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2018 là 52.803 doanh nghiệp, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 17.984 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,1% và 34.819 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định rằng thời điểm hiện nay là thời cơ vàng cho các hoạt động khởi nghiệp (startup), đặc biệt nhờ vào các chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của Chính phủ.
Như ông Max Scheichenost, nhà sáng lập Alps Venture, đồng sáng lập hơn 15 doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam và trên toàn cầu đánh giá, đây là thời điểm vàng để khởi nghiệp ở Việt Nam.
“Việt Nam đang là đất nước có thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ nhất, như là tôi đang đến Disney Land khởi nghiệp'", ông này cho biết.
Hay Edward Jung, nhà sáng lập và CEO Xinova, người sở hữu rất nhiều nền tảng công nghệ thông minh nổi tiếng hiện nay cho rằng, một trong những lợi thế của thị trường khởi nghiệp Việt Nam là giá nhân công rất rẻ.
Có cùng quan điểm, ông Hoàng Đình Trọng, Chủ tịch Công ty TNHH Đào tạo tư vấn PDCA cho rằng 4 đòn bẩy quan trọng để khởi nghiệp thành công bao gồm: tài chính; nhân sự; công nghệ và trí tuệ của chuyên gia; đây là những yếu tố đã có sẵn tại Việt Nam.
Đối với vấn đề nhân sự, ông Trọng cho rằng đi khắp thế giới chẳng đâu có được cơ hội làm ăn dễ như ở Việt Nam với nguồn nhân công lớn và rẻ trong khi ở Nhật Bản, để có được một nhân sự phải mất tới 5 – 10 nghìn USD.
Bên cạnh đó, chủ tịch PDCA nhìn nhận, hiện tại nguồn tiền từ thế giới đổ vào Việt Nam đang rất lớn; nếu không tận dụng được, chỉ 20 – 30 năm nữa thôi cơ hội sẽ mất đi.
Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là trong vận hội lớn như vậy, tại sao nhiều startup Việt Nam vẫn chưa thể lớn lên và vươn xa, thậm chí là thất bại.
Theo ông Trọng, một trong những lý do khiến doanh nghiệp liên tục gặp khó khăn hoặc phá sản là do các doanh nghiệp đang phụ thuộc quá lớn vào ngôi sao sáng nhất công ty là chủ doanh nghiệp.
Tuy nhiên chủ tịch PDCA cho biết, hầu hết chủ doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay lại chủ yếu xuất phát từ nghề mà chưa được trang bị những kiến thức cần thiết như khả năng quản trị, trong đó có quản lý hệ thống doanh nghiệp, quản lý vốn và tài chính, quản lý nhân sự... cũng như các kiến thức về marketing để làm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Theo đó, nếu không nắm chắc các yếu tố này hoặc chỉ chú trọng đầu tư vào một trong các yếu tố trên thì doanh nghiệp cũng sẽ chỉ vận hành như "một chiếc bánh xe lăn gập ghềnh trên đường do những chiếc nan hoa không cân xứng".
Theo ông Trọng, để một doanh nghiệp cất cánh và phát triển trường tồn, bốn cấp độ tư duy mà chủ doanh nghiệp cần có là tư duy nghề, kinh doanh, tài chính và tư duy tổ chức. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn chỉ đang chỉ dừng lại ở tư duy nghề.
Tư duy nghề là tư duy tạo ra sản phẩm, làm những gì mình đam mê, những gì mình giỏi nhưng vẫn chỉ là những sản phẩm thô mà chưa có nhiều giá trị gia tăng. Theo đó, nếu chỉ có tư duy nghề, người làm kinh doanh chỉ đủ ăn mà thôi, không giàu có được.
Ở cấp độ thứ hai, tư duy kinh doanh là tư duy biết cách tăng thêm giá trị cho sản phẩm; biết cách làm marketing, đóng gói bao bì…
Chẳng hạn trong tư duy nghề, một chai rượu là phải nút bằng lá chuối và thường bán với mức giá 30 nghìn đồng/chai nhưng tư duy kinh doanh thì khác, họ biết tạo ra các giá trị khác cho sản phẩm như bao bì, mẫu mã, tạo thương hiệu... nên mới có chuyện có những chai rượu được bán với mức giá vài trăm nghìn đồng, thậm chí là vài triệu đồng.
Trong khi đó, tư duy tài chính là tư duy biết dùng đòn bẩy tài chính, biết huy động vốn như thế nào, kiểm tra tài chính như thế nào, cơ chế vốn ra sao.
Ông Trọng nhận định, một trong những sai lầm lớn nhất của người làm kinh doanh với tư duy nghề là phải có tiền mới khởi nghiệp trong khi nguồn tiền từ xã hội không hề thiếu. Theo đó, doanh nghiệp đích thực không cần biết mình có bao nhiêu tiền vì tiền ngoài xã hội rất nhiều; vấn đề quan trọng là cần phải biết nó ở đâu và làm cách nào để huy động vốn từ xã hội.
“Người đi lên từ nghề thường không có tư duy tài chính, cứ phải chờ có tiền mới đầu tư mà không biết tạo ra dòng tiền. Chẳng hạn, kinh doanh 1.000 xe chạy vận tải cho thuê; người có tư duy nghề thường chỉ xem doanh thu đến từ đâu (quãng đường từ A đến B x đơn giá) trong khi người có tư duy tài chính sẽ đi làm việc với cây xăng dầu để xin giảm giá, gặp bảo hiểm để làm đại lý, làm việc với chỗ rửa xe để giảm giá rửa xe; từ đó tăng tỷ suất lợi nhuận”, ông Trọng lấy ví dụ.
Ở cấp độ cuối cùng là tư duy tổ chức, một tư duy mà nhiều ông chủ Việt đang thiếu. Theo đó, người làm kinh doanh ở Việt Nam với tư duy nghề thường có xu hướng cứ thấy mình giỏi cái gì nhất là vơ vào mình hết, làm một mình, không tin tưởng vào người khác trong khi một doanh nghiệp có rất nhiều vấn đề cần giải quyết; nếu chủ doanh nghiệp chỉ biết lao vào trong sự vụ thì làm được việc này sẽ hỏng việc kia.
Ông Trọng cho rằng làm doanh nghiệp với tư duy mèo nhỏ bắt chuột nhỏ, không dám làm lớn của các chủ doanh nghiệp có tư duy nghề cũng giống như hoạt động của một chiếc máy bay; giai đoạn tốn nhiên liệu nhất là giai đoạn cất cánh; bay dưới mây sẽ có nhiều rủi ro và bay chậm trong khi nếu bay trên mây, máy bay sẽ gặp ít rủi ro hơn và đi được nhanh hơn.
Cũng chính vì đi lên từ nghề nên nhiều chủ doanh nghiệp để công ty phụ thuộc quá lớn vào mình trong khi không biết tận dụng trí năng của tổ chức.
“Ở công ty Nhật, họ chỉ có 3 - 5 người nhưng quản lý và tổ chức cho mấy chục nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện. Chẳng hạn Công ty Brother của Nhật với chỉ 24 người quản lý đã có thể tổ chức cho gần 10.000 người Việt nam. Họ thú nhận họ không thông minh hơn người Việt Nam, tất cả là do người Việt Nam làm hết nhưng điều khác biệt duy nhất là ở tư duy hệ thống, tư duy tổ chức”, ông Trọng chia sẻ thêm.
Nhờ vào tư duy hệ thống mà người Nhật có thể quản lý doanh nghiệp rất tốt và thậm chí còn đi khắp nơi trên thế giới để đầu tư mà vẫn đảm bảo được bộ máy vận hành trơn tru.
Ông Trọng nhận định, người Việt rất giỏi nhưng chưa tận dụng được những lợi thế và vận hội sẵn có. Theo đó, nếu có khát khao và quyết liệt, chỉ khoảng 10 năm nữa thôi, cục diện về kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nhân Việt Nam nói riêng sẽ bước lên một tầm cao mới, Việt Nam sẽ có thể “xuất khẩu doanh nhân” như nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.
No comments:
Post a Comment